Language selector

Kỳ thị chủng tộc

Page controls

Page content

Luật Nhân Quyền Ontario (Ontario’s Human Rights Code)

Luật Nhân Quyền Ontario (gọi tắt Luật) cung cấp các quyền và các cơ hội bình đẳng, và sự tự do không bị kỳ thị. Luật công nhận phẩm giá và giá trị của mỗi một người tại Ontario. Luật áp dụng cho các lĩnh vực việc làm, gia cư, các tiện nghi và dịch vụ, các hợp đồng, và trong vấn đề tham gia nghiệp đoàn, các hiệp hội ngành nghề chuyên môn.

Theo Luật, mỗi người có quyền tự do không bị kỳ thị và sách nhiễu chủng tộc. Quý vị không nên bị đối xử khác biệt bởi vì lý do chủng tộc của quý vị hay các lý do có liên quan khác, chẳng hạn như tổ tiên, màu da, nguyên quán, nguồn gốc dân tộc, quốc tịch hay tín ngưỡng. Điều này áp dụng cho các lĩnh vực được Luật bảo vệ như tại sở làm, tại trường, trong việc thuê nhà, hoặc ở lĩnh vực dịch vụ. Các dịch vụ bao gồm những nơi như cửa tiệm và thương xá, các khách sạn, các bệnh viện, những nơi vui chơi giải trí và các trường học.

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự kỳ thị chủng tộc

Tại Canada, có các luật lệ và hệ thống nhân quyền vững mạnh để giải quyết sự kỳ thị. Đồng thời, chúng ta cũng có một di sản về chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc – đặc biệt là đối với những người Thổ dân, cũng như đối với các nhóm người khác, bao gồm người Canada gốc Phi Châu, gốc Hoa, gốc Nhật, gốc Nam Á, gốc Do Thái và gốc Hồi giáo. Di sản này ảnh hưởng đến các hệ thống và các cơ cấu của chúng ta ngay cả ngày hôm nay, ảnh hưởng đến đời sống của những những người da màu và của tất cả mọi người tại Canada.

Ủy ban Nhân quyền Ontario (Ontario Human Rights Commission) miêu tả các cộng đồng bị kỳ thị chủng tộc như “người khác chủng tộc (racialized).” Chủng tộc là cấu trúc xã hội. Điều này có nghĩa là xã hội hình thành các ý tưởng về chủng tộc dựa trên các yếu tố địa lý, lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, cũng như các đặc điểm thể xác, mặc dù không có bất cứ yếu tố nào trong những yếu tố trên có thể dùng để biện hộ cho tư tưởng có sắc dân ưu việt hơn hoặc cho những thành kiến về chủng tộc.

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là một kinh nghiệm và sự thực hành rộng lớn hơn sự kỳ thị chủng tộc. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là niềm tin cho rằng một nhóm người nào đó thì ưu việt hơn các nhóm khác. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có thể biểu hiện công khai dưới hình thức các lời nói giễu cợt, những lời gièm pha hay các tội ác chủng tộc. Nó cũng có thể bắt rễ ăn sâu trong các hành vi thái độ, các giá trị và các niềm tin thiên kiến. Trong một số các trường hợp, thậm chí người ta không ý thức là mình có các niềm tin này. Thay vào đó, chúng chỉ là những giả định đã phát triển theo thời gian và đã trở thành một phần của các hệ thống và tổ chức, và đồng thời kết hợp với quyền lực và đặc quyền của nhóm áp đảo.

Kỳ thị chủng tộc là biểu hiện bất hợp pháp của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Nó có thể bao gồm bất cứ hành động nào, cố ý hay không cố ý, gây hậu quả tách riêng một người dựa trên chủng tộc của họ, và áp đặt các gánh nặng lên riêng họ chứ không phải cho những người khác, hoặc giữ lại hay giới hạn việc sử dụng các phúc lợi có sẵn cho các thành viên khác trong xã hội, trong các lĩnh vực được Luật bảo vệ. Chỉ riêng một yếu tố sắc tộc cũng đủ để cho sự kỳ thị chủng tộc xảy ra.

Sách nhiễu chủng tộc là một hình thức của sự kỳ thị. Nó bao gồm các lời phê bình, giễu cợt, gọi tên để chọc ghẹo, trưng bày hình ảnh hay có hành vi nhục mạ, xúc phạm hay coi khinh quý vị vì lý do sắc tộc của quý vị hay vì các lý do có liên quan khác.

Kỳ thị chủng tộc thường có thể rất tinh tế khó nhận ra, chẳng hạn như bị chỉ định làm các công việc ít được ưa thích, hoặc bị từ chối đề bạt và huấn luyện. Nó cũng có thể đồng nghĩa với việc phải chịu những tiêu chuẩn việc làm khác hơn những công nhân khác, bị từ chối không cho thuê phòng bởi vì quý vị trông giống như người mà tổ tiên là gốc Thổ dân, hay bị cảnh sát dò xét tỉ mỉ một cách bất công khi đang lái xe hay bị nhân viên an ninh của thương xá chú ý kỹ lưỡng.

Kỳ thị chủng tộc ngầm

Kỳ thị chủng tộc ngầm có thể xảy ra ở tầm mức - cơ quan hay toàn bộ, từ các điều lệ và cấu trúc hàng ngày mà không cố tình hay được thiết kế để kỳ thị. Các khuôn mẫu hành vi, các chính sách hay cách thực hành mà thuộc một phần cơ cấu của một tổ chức hay toàn thể một lĩnh vực có thể gây bất lợi hoặc thất bại trong việc làm đảo lộn tác động và di sản đang diễn ra mà theo truyền thống gây thiệt hại cho những người thuộc chủng tộc da màu. Điều này có nghĩa thậm chí ngay cả khi quý vị đã không cố tình, “những cách sinh hoạt bình thường hàng ngày của quý vị” có thể đã tạo một tác động tiêu cực cho những người khác chủng tộc với quý vị.

Ví dụ: Trong lĩnh vực giáo dục, sự kỳ thị toàn bộ có thể bao gồm: định kiến để hướng học sinh thuộc các chủng tộc da màu vào các chương trình kỹ thuật thay vì vào các chương trình học vấn (academic). Đồng thời, khi các cách đề bạt chú trọng vào những yếu tố văn hóa và tổ chức, mà những yếu tố đó dựa trên kinh nghiệm của những nhà giáo dục người da trắng thì kết quả là có ít người da màu ở các vai trò lãnh đạo (chẳng hạn như các hiệu trưởng).

Nhận dạng và giải quyết sự kỳ thị chủng tộc

Các tổ chức phải thực hiện những bước tích cực chủ động để không tham gia vào, bỏ qua hoặc cho phép sự kỳ thị hay sách nhiễu chủng tộc được xảy ra.

Một bước khởi đầu tốt như phát triển một chính sách vững chắc về chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có thể giúp ngăn ngừa và giải quyết các hình thức kỳ thị chủng tộc riêng lẻ hay ngấm ngầm. Điều này có thể bao gồm:

  • Thu thập các số dữ liệu dựa trên chủng tộc trong các hoàn cảnh thích hợp
  • Thống kê sự bất lợi theo truyền thống dựa trên yếu tố chủng tộc
  • Duyệt lại các chính sách, các phương pháp thực hành, các tiến trình làm quyết định và phong cách hoạt động tại cơ quan, để tìm tác động có hại
  • Đưa ra và thực thi các chương trình về chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chống kỳ thị và sách nhiễu, và về giáo dục.

Một chương trình chống chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc cũng sẽ tạo dễ dàng hơn cho các cơ quan trong việc thúc đẩy các mục tiêu về sự bình đẳng và đa dạng, và đây cũng là điều tốt chung cho doanh nghiệp.

Để biết thêm chi tiết

Chính sách và Các Hướng dẫn về Chủ nghĩa Phân biệt Chủng tộc và Sự Kỳ thị Chủng tộc của Ủy ban Nhân quyền Ontario (Ontario Human Rights Commission's Policy and Guidelines on Racism and Racial Discrimination) và các ấn phẩm khác thì có sẵn trên mạng tại địa chỉ www.ohrc.on.ca.

Để nộp đơn khiếu nại nhân quyền – gọi là đơn khiếu nại – xin liên lạc với Tòa Nhân Quyền Ontario (Human Rights Tribunal of Ontario):
Số miễn phí: 1-866-598-0322
Số miễn phí TTY: 1-866-607-1240
Trang mạng: www.hrto.ca

Nếu quý vị cần sự giúp đỡ pháp lý, xin liên lạc với Trung tâm Hỗ trợ Pháp lý Nhân quyền (Human Rights Legal Support Centre):
Số miễn phí: 1-866-625-5179
Số miễn phí TTY: 1-866-612-8627
Trang mạng: www.hrlsc.on.ca

Attachments

AttachmentSize
PDF icon Kỳ thị chủng tộc656.79 KB